SỨC SỐNG MỚI CỦA KHU PHỐ LỊCH SỬ TRONG THÀNH PHỐ HIỆN ĐẠI

Cuối tháng 9 năm 2015, tại Ban Quản lý phố cổ đã tổ chức cuộc trao đổi với Đoàn khảo sát / nghiên cứu các khu phố lịch sử (khu phố cổ, khu phố cũ) trong các thành phố châu Á của Nhật Bản, đến từ Đại học Thành phố Yokhohama ( Nhật Bản). 

Chương trình nghiên cứu đã được thực hiện trong 3 năm trở lại đây, đối tượng nghiên cứu là 8 Thành phố: Hà Nội (Việt Nam), Incheon (Hàn Quốc), Makati (Philippin), Đài Bắc (Đài Loan), Penang (Malaysia), BangKok (Thái Lan) và Yokohama (Nhật Bản) với mục tiêu trao đổi, học hỏi, so sánh và đánh giá những nỗ lực của các thành phố trong việc bảo vệ những không gian đô thị lịch sử trong các thành phố.

Các thành phố châu Á trong lịch sử đô thị hóa trong thế kỷ 20 có nhiều điểm chung là đối mặt với nhiều thử thách về chiến tranh, thiên tai và phát triển nhanh… nhiều không gian đô thị lịch sử bị phá hủy, biến dạng, nhường chỗ mô hình thương mại toàn cầu hay mở rộng giao thông cơ giới làm dần mất đi những giá trị văn hóa đặc trưng, xóa nhòa những bản sắc địa phương và ký ức về nơi chốn – những giá trị vô hình nhưng đang ngày càng có vai trò quan trọng vào sự phát triển bền vững của thành phố.

GS.TS Noboharu Suzuki – Trưởng đoàn nghiên cứu đào đạo quốc tế Nghệ thuật & Khoa học đô thị & Quy hoạch Cộng đồng - Đại học Tp Yokohama cho biết: trong 10 năm trở lại đây,các thành phố châu Á đã chú ý hơn tới việc nghiên cứu và hành động cụ thể nhằm bảo tồn và phát huy giá tinh thần và vật chất khu phố lịch sử trong thành phố nhưng cũng đồng thời đối mặt với tốc độ suy giảm mạnh về số lượng, chất lượng các khu phố lịch sử trong 8 thành phố, đặc biệt là sự biến mất những ngành hàng truyền thống cùng với những người thợ thủ công, thương nhân - những con người, duyên cớ hình thành nên khu phố.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào phục sinh những khu phố lịch sử trong các thành phố hiện đại, làm thế nào để các khu phố lịch sử đóng góp tích cực hơn vào nhịp sống hiện đại của thành phố đồng thời tạo bên sức hút đặc biệt, tăng tính cạnh tranh của các thành phố trong xu thế hội nhập toàn cầu?

Khung cảnh khu phố 1960 được phục dựng và hiện đại hóa (phố mua sắm Motomachi) và Khu phố người Hoa ở Yokohama đang là những địa điểm hấp dẫn người dân địa phương cũng như du khách.Khung cảnh khu phố 1960 được phục dựng và hiện đại hóa (phố mua sắm Motomachi) và Khu phố người Hoa ở Yokohama đang là những địa điểm hấp dẫn người dân địa phương cũng như du khách.

TS .KTS Lê Quỳnh Chi, Phó chủ nhiệm Bộ môn Quy hoạch – ĐH Xây dựng Hà Nội cho biết năm 2015 trường Đại học Xây dựng đã phối hợp với ban quản lý phố cổ Hà Nội tổ chức thành công chương trình đào tạo quốc tế. Nhóm tham gia đã nghiên cứu khu phố quanh chợ Đồng Xuân, tổ chức lại không gian nhằm phục vụ phát triển thương mại, dịch vụ nhưng vẫn bảo tồn được không gian văn hóa lịch sử truyền thống – Đồ án của nhóm sinh viên Đại học Xây dựng đã giành được giải cao của AIAC - giải thưởng uy tín hàng năm được bảo trợ bởi UNESCO dành cho sinh viên chuyên ngành kiến trúc.

KTS Phạm Tuấn Long, Phó trưởng Ban quản lý phố cổ giới thiệu dự án chỉnh trang phố Tạ Hiện, Lãn Ông. Cùng với việc nâng cấp hạ tầng đường xá, chiếu sáng, tôn tạo mặt đứng, BQL Phố cổ đã tổ chức các tuyến phố đi bộ, những hoạt động lễ hội đường phố và các sinh hoạt văn hóa truyền thống trong các điểm di tích.

Điều đáng chú ý là sự ảnh hưởng của các dự án tôn tạo cảnh quan và tổ chức sinh hoạt đường phố đã kích hoạt sự tham gia của cộng đồng: Chủ nhân các cửa hàng mặt phố đã tự chỉnh trang kiến trúc, biển hiệu, chiếu sáng, quầy hàng bàn ghế với sự chú ý đến khai thác các chi tiết trang trí truyền thống , sử dụng vật liệu địa phương.

Đặc biệt, trong chợ đồ chơi Trung Thu năm nay, trên các phố hàng: những đồ chơi truyền thống Việt Nam chiếm ưu thế. Trong thời gian tới, Ban quản lý phố cổ sẽ tiến hành khảo sát, nghiên cứu khu vực phường Diên Hưng – kinh thành Thăng Long đã có từ TK XI- XV (nay là phố Hàng Đường), với phương pháp tiếp cận tổng thể từ kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật đến văn hóa xã hội lịch sử…có sự tham gia phối hợp của các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực.

Cũng như các thành phố châu Á khác, bảo tồn khu phố cổ ở Hà Nội thường xuyên là vấn đề gây tranh cãi trong một xã hội mà còn nhiều mục tiêu cần ưu tiên, việc trao đổi chia sẻ kinh nghiệm quốc tế đã đem lại những kết quả khích lệ, hy vọng với những chủ động sáng tạo và sẵn sàng học hỏi, các khu phố cổ, không gian lịch sử, làng nghề, phố nghề của Hà Nội sẽ có sức sống mới.

KTS Trần Huy Ánh

Nguồn: http://kienviet.net/2015/09/29/suc-song-moi-cua-khu-pho-lich-su-trong-thanh-pho-hien-dai