Tổng kết workshop: “Thành phố tương lai với bảo tồn di sản – Tái tạo đô thị và biến đổi bền vững” – Ngày Thiết kế Ý (Italia) tại Việt Nam 2019.
Mở đầu cho chuỗi sự kiện học thuật của Ngày Thiết kế Ý (Italia) tại Việt Nam (IDD-VN-2019, xưởng thực hành (workshop) Kiến trúc – Thiết kế đô thị với chủ đề “Thành phố tương lai với bảo tồn di sản – Tái tạo đô thị và biến đổi bền vững” đã được tổ chức và diễn ra từ ngày 11 đến ngày 20 tháng 3, năm 2019. Dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Ý tại Hà Nội, UNESCO Việt Nam, Uỷ ban nhân dân TP. Hà Nội, được tổ chức bởi công ty SCE projects Asia, workshop có sự chịu trách nhiệm về chuyên môn và giảng dậy chính bởi ông Luigi Core, kiến trúc sư, giám đốc và chủ tịch của hiệp hội kiến trúc sư Venice, giáo sư Đại học Venice (IUAV Venice) và ông Matteo Aimini – giáo sư Đại học Kỹ thuật Milan. Thành phần tham gia về phía Việt Nam gồm có các giáo viên và hơn 40 sinh viên thuộc 3 trường đào tạo kiến trúc lớn tại Hà Nội là ĐH kiến trúc Hà Nội, ĐH Xây dựng và ĐH Phương Đông.
Chủ đề - Lịch trình - Phương pháp nghiên cứu và thực hiện:
Câu hỏi nghiên cứu và thiết kế chính của workshop là ứng xử với những câu chuyện – địa điểm mang nhiều ý nghĩa, giá trị của quá khứ như thế nào trong bối cảnh đương đại và hướng tới tương lai. Địa điểm nghiên cứu và thiết kế của workshop tập trung vào các địa điểm công cộng tại trung tâm lịch sử của thành phố Hà Nội; cụ thể là khu vực Hồ Gươm và xung quanh - nơi đóng vai trò là kết nối quan trọng giữa khu phố cổ và khu phố Pháp.
Với mong muốn tôn vinh câu chuyện giữa thiết kế và di sản, workshop có 2 chủ đề chính, bao gồm:
+ Đại diện cho chủ đề Công trình di sản là Công trình Thư viện quốc gia và khuôn viên xung quanh. Một công trình hơn 100 năm tuổi, đặc trưng cho kiến trúc Đông Dương thời Pháp thuộc.
+ Đại diện cho chủ đề Khu vực di sản là khu vực phía Bắc của Hồ Gươm với trọng tâm là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
Các sinh viên làm việc theo nhóm và nhóm được hình thành trên cơ sở tự nguyện, dưới sự hướng dẫn của các thấy cô. Mỗi nhóm được chủ động lựa chọn chủ đề và tương ứng là địa điểm nghiên cứu. Trong hai ngày đầu tiên, workshop khai mạc tại Đại học Xây dựng và sau đó các nhóm tiến hành khảo sát thực địa, ghi nhận lại các yếu tố hiện hữu của khu vực. Các ngày tiếp theo là dành cho việc đề xuất ý tưởng và dần hiện thực hoá ý tưởng; địa điểm thực hiện là xưởng thực hành của trường Đại Học Kiến Trúc Hà Nội. Từ các thông tin đã thu thập tại thực địa, qua mạng internet và qua các bài giảng, hướng dẫn của các thầy cô giáo Ý - Việt Nam, các nhóm sinh viên đã thảo luận, phác thảo các ý tưởng thiết kế của riêng mình.
Phương pháp, công cụ về nghĩ ý và thể hiện trong workshop là không có giới hạn, trong đó khuyến khích sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa việc vẽ tay sơ phác những ý tưởng ban đầu và việc minh hoạ, triển khai ý tưởng thành sản phẩm cuối cùng sử dụng các phần mềm đồ hoạ.
Các kết quả chính của workshop
Qua một tuần làm việc khẩn trương, hăng say và sáng tạo, các nhóm sinh viên đã cho ra đời những bản vẽ thiết kế hấp dẫn của mình. Các sản phẩm của 10 nhóm sinh viên đã được triển lãm tại khu di sản văn hoá quốc tế Hoàng Thành Thăng Long, Hà Nội vào ngày 21 tháng 3 năm 2019; thu hút nhiều sự quan tâm tìm hiểu và yêu thích của các chuyên gia khách mời (đến tham gia sự kiện hội thảo quốc tế đi kèm workshop) cũng như các khách thăm quan khu Hoàng Thành. (Trong thời gian tới đây, các sản phẩm này cũng sẽ được triển lãm tại Ý như một thành quả đến từ Việt Nam tôn vinh sự kiện Ngày thiết kế Ý 2019 tại nhiều quốc gia).
Về nội dung và chất lượng thể hiện, có thể thấy sự chú ý của các nhóm chia đều cho hai chủ đề. Các giải pháp thiết kế đa dạng nhưng đều chia sẻ một số trọng tâm chính, bao gồm: việc giữ gìn những giá trị vật thể và phi vật thể của công trình – khu vực; sự đặt con người/ người sử dụng và sự phát triển bền vững về mặt xã hội làm trọng tâm và có sự tiếp thu, tích hợp những quan điểm, công nghệ mới để đảm bảo sự thích ứng trong tương lai. Những nội dung này đã cho thấy được khả năng tư duy và thực hiện thiết kế khá sâu sắc và nhạy bén của các sinh viên Việt Nam, cũng như thể hiện cho thấy tình yêu của các bạn trẻ đối với các giá trị di sản đô thị của Hà Nội. Từ góc độ đào tạo, các giáo sư Ý đã đánh giá cao khả năng học tập – làm việc của các bạn sinh viên trước áp lực, thách thức lớn như: sự phức tạp của vấn đề cần nghiên cứu, khối lượng nội dung cần thực hiện lớn và thời gian thực hiện eo hẹp. Các giáo sư cũng mong chờ sự phát triển sâu sắc và hoàn thiện hơn nữa của các bài làm trong tương lai.
Workshop thuộc Ngày thiết kế Ý được đánh giá là thành công và sự thành công này đánh dấu cho sự phát triển đa dạng các cơ hội hợp tác đào tạo quốc tế giữa nhiều bên trong các vấn đề quan trọng của đô thị là quy hoạch – thiết kế kiến trúc và di sản. Bên cạnh đó, workshop này chính là một cơ hội quí báu giúp hoạt động đào tạo của các trường Đại học Việt Nam, trong đó có Đại học Xây dựng được nâng cao và phát triển tiệm cận với thế giới. Tổng quát hơn và xét dưới góc nhìn ngoại giao, workshop đã góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia Ý và Việt Nam vốn có nhiều tương đồng và trân trọng lẫn nhau.
(Tham khảo thêm về Hình ảnh các hoạt động của workshop; Các bài làm xuất sắc (đoạt giải các hạng mục) và những bài làm tiêu biểu của các nhóm ở phần viết phía dưới).
NCS. Nguyễn Thanh Tú
NCS. Nguyễn Hải Vân Hiền
Ths. Phạm Hồng Việt.