Hội thảo "Xây dựng năng lực đào tạo khả năng chống chịu thiên tai khu vực Đông Nam Á"

Ngày 7/6/2017, khoa Kiến trúc & Quy hoạch đã tổ chức toạ đàm khoa học về “Xây dựng năng lực đào tạo khả năng chống chịu thiên tai khu vực Đông Nam Á” do PGS. TS. Phạm Hùng Cường – trưởng khoa chủ trì. Đến dự buổi toạ đàm có TS. Tạ Quỳnh Hoa – trưởng khoa đào tạo quốc tế, PGS. TS. Nguyễn Thị Thanh Mai – trưởng bộ môn Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị, TS. Trần Minh Tùng – phó trưởng bộ môn Kiến trúc dân dụng, TS. Lê Quỳnh Chi – phó trưởng bộ môn Quy hoạch vùng và đô thị, ThS. Đặng Việt Dũng – phó trưởng bộ môn Kiến trúc cảnh quan, ThS. Phạm Tiến Bình – phó trưởng bộ môn Kiến trúc môi trường, ThS. Trương Ngọc Lân – phó trưởng bộ môn Lý thuyết và lịch sử kiến trúc cùng các giảng viên giảng dạy trong khoa. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án hợp tác quốc tế giữa các quốc gia Úc, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Việt Nam nhằm xây dựng năng lực khu vực, chia sẻ kiến thức và tạo ra sức mạnh tổng hợp trong đào tạo lĩnh vực chống chịu và giảm thiểu rủi ro thiên tai (GTRRTT), và thiết lập mối quan hệ đối tác nhiều năm giữa các trường đại học hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Chủ trì dự án là TS. Jason Von Meding – trường Đại học Newcastle – Úc, đại diện ở Việt Nam là nhóm nghiên cứu trường Đại học Xây dựngdo PGS. TS. Phạm Hùng Cường chủ trì cùng các thành viên ThS. Đào Hải Nam, ThS. Nguyễn Thanh Tú, ThS. Dương Quỳnh Nga và ThS. Nguyễn Thu Hương.

Mở đầu buổi toạ đàm, PGS. TS. Phạm Hùng Cường giới thiệu về nhóm dự án và mục tiêu của buổi toạ đàm: giới thiệu dự án, các hoạt động đã thực hiện, đưa ra khung đánh giá nội dung các môn học ngành Quy hoạch và thảo luận về định hướng phát triển nội dung giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong chương trình đào tạo đại học khoa Kiến trúc & Quy hoạch.

ThS. Đào Hải Nam thay mặt nhóm nghiên cứu giới thiệu dự án, các hoạt động của nhóm, trong đó đáng lưu ý đây là dự án được tài trợ bởi chính phủ Úc và đã được đưa thông tin lên website chính thức của chính phủ Úc; dự án đã tổ chức hội thảo lần đầu vào tháng 11 năm 2016 tại Đại học Philippines tại đó các thành viên đã chia sẻ các kết quả nghiên cứu đã đạt được và tham quan trung tâm cảnh báo và ứng phó rủi ro thiên tai tại Philippines. Dự án sẽ tổ chức hội thảo báo cáo kết quả nghiên cứu vào tháng 12/2017 tịa Thái Lan. Trong thời gian tiếp theo, dự án sẽ tổ chức khoá đào tạo trong 2 ngày về nội dung giảm nhẹ rủi ro thiên tai do các giáo sư trường đại học Newcastle trực tiếp giảng dạy vào tháng 8/2017.

ThS. Đào Hải Nam cũng trình bày về nội dung chính của dự án là nghiên cứu về khung Sendai – khung hành động quốc tế về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và khung đánh giá nội dung các môn học giảng dạy ngành Quy hoạch theo khung Sendai. Theo đó, dự án mà đại diện là nhóm chuyên gia về giảm nhẹ rủi ro thiên tai trường đại học Newcastle đã đưa ra khung đánh giá chung để các trường áp dụng và nhóm nghiên cứu tại Việt Nam đã giản lược, thay đổi để đưa ra khung đánh giá phù hợp với bối cảnh và chương trình đào tạo ngành Quy hoạch, trường Đại học Xây dựng – đối tượng được lựa chọn để nghiên cứu cụ thể ở Việt Nam.

Sau phần trình bày của ThS. Đào Hải Nam, PGS. TS. Phạm Hùng Cường chủ trì phần thảo luận về các nội dung nhóm nghiên cứu đã trình bày cũng như hướng phát triển trong tương lai đưa nội dung giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào chương trình đào tạo. Phần thảo luận diễn ra sôi nổi, tập trung vào trọng tâm xu hướng giảm nhẹ rủi ro thiên tai và chương trình đào tạo đại học của khoa Kiến trúc & Quy hoạch. Các giảng viên tham gia đều có chung nhận định việc đưa nội dung giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào chương trình đào tạo là rất cần thiết vì đây là xu thế chung của thế giới và rủi ro thiên tai là nguy cơ mà Việt Nam đã, đang và sẽ phải đối mặt, là vấn đề cấp bách của quốc gia.Theo ThS. Trương Ngọc Lân các nội dung về biến đổi khí hâu, ảnh hưởng của điều kiện khí hậu môi trường lên kiến trúc đã có dạy nhưng còn rải rác và chưa hệ thống thành nội dung giảm nhẹ rủi ro thiên tai. TS. Nguyễn Quang Minh đề xuất có thể nghiên cứu đưa các nội dung chống chịu rủi ro thiên tai theo từng phần vào các môn học liên quan theo thời lượng phù hợp. Theo TS. Nguyễn Thị Thanh Mai nên lồng ghép các nội dung này vào các đồ án để sinh viên tiếp cận được thực tế. TS. Tạ Quỳnh Hoa - là người đang tham gia vào một số dự án nghiên cứu về thành phố có khả năng chống chịu, thấy rằng việc đưa các nội dung này vào đào tạo là rất cần thiết, nhóm nghiên cứu nên đưa ra các nội dung cụ thể hơn đánh giá về các chương trình đào tạo quốc tế cũng như các dự án về giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại Việt Nam để đưa ra cách thức lồng ghép vào nội dung đào tạo đại học theo từng môn học và nội dung cụ thể. Các giảng viên cũng có ý kiến việc đưa các nội dung giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào chương trình giảng dạy cần có sự liên kết giữa các ngành, các bộ môn.

Kết thúc buổi toạ đàm, các giảng viên đánh giá về nội dung các môn học giảng dạy theo khung đánh giá của nhóm nghiên cứu và đề xuất nhóm nghiên cứu sẽ thành lập kho học liệu mở để mọi người có thể tiếp cận vào xu hướng này dễ dàng và có hệ thống hơn.