Trục không gian trung tâm cho Hà Nội hiện đại

        Trục không gian trung tâm cho Hà Nội hiện đại

                                                                                       PGS.TS Phạm Hùng Cường_ Đại học Xây dựng

Lịch sử quy hoạch các trục không gian trung tâm trên thế giới

Hầu hết các đô thị danh tiếng trên thế giới đều  tạo dựng những không gian có tính chất trọng tâm, tiêu biểu nổi bật trong đô thị với mong muốn tạo dựng đô thị có bản sắc cả về vật chất lẫn tinh thần

Khu vực trung tâm hành chính Thủ đô Oasingtơn của Mỹ, đại lộ Sant- Elise của Paris (Pháp), trục trung tâm của Dehli- Ân Độ và nhiều trục khác ở Bắc Kinh, ở Brasilia, ở Canbera...đều là những những hình ảnh tiêu biểu, niềm tự hào của thành phố .

 Việc bố trí không gian gắn kết với nhau theo một tuyến, trục nhằm tạo nên hình ảnh tổng thể của các không gian có ý đồ, tạo lập hiệu quả nhận thức không gian, khả năng cảm thụ thị giác cao, dễ tạo ấn tượng tổng thể hơn các không gian riêng lẻ.

Mỗi đô thị tìm cho mình những cách thể hiện trục trung tâm khác nhau và những thành công ấy đáng để cho chúng ta học tập

Trục trung tâm Oasington – Sơ đồ tổng thể và một góc quen thuộc

Với thành phố Oasington, đó là khu vực công viên với các con đường đi bộ trong các khoảng trống của không gian. Không gian được tổ hợp bởi 2 trục vuông góc trong đó có trục chính là trục từ Điện Capitol, qua đài liệt sỹ  đến đài tưởng niệm Lin Col, chiều dài khoảng 1.000 m. Trục của Dehli có tuyến ô tô chạy hai bên, phần vườn hoa với các hoạt động đi bộ, văn hoá ở giữa rộng khoảng  rộng tới 100m.

Trên trục trung tâm là những công trình quan trọng, đặc biệt là ở điểm đầu và cuối mang tính biểu tượng của thành phố hay cả Quốc gia. Trục trung tâm của Dehli khởi đầu là cổng Ingdiagate và kết thúc là toà nhà của Chính phủ dài khoảng 4km. Đại lô Champ-E’lyse của Paris, mở đầu là quảng trường của bảo tàng Luvre, qua Khải hoàn môn, tuy nhiên nó đã được kéo dài tới đại lộ Charles de Gaule và có kết thúc trục hoàn hảo bởi công trình La-Defence, một tác phẩm xuất sắc về thiết kế đô thị của thế kỷ 20.

Chiều rộng của không gian cũng không quá rộng, từ 50- 150m, đủ để nhận thức các công trình 2 bên. Không gian thân thịên với con người (human scale), không quá chú trọng về yếu tố giao thông cơ giới. Trục trung tâm là nơi có sức hút về các hoạt động công cộng, ngoài tuyến đi dạo, đi bộ còn thường bố trí quảng trường với các hoạt động có sức thu hút dân cư đô thị lớn, nơi tổ chức các sự kiện quan trọng của đô thị. Chính vì thế nó thường được gắn kết với các công trình lịch sử, tượng đài, công trình tiêu biểu cho kiến trúc của một giai đoạn.

Trục không gian trung tâm cho đồ án Quy ho ạch chung Hà Nội

Trục Hồ Tây – Ba Vì (đoạn từ Sông Nhuệ đến vành đai 4)

Thủ đô Hà Nội  cũng có nhiều không gian đẹp, mang dấu ấn của quy hoạch thời Pháp để lại. Ví dụ với trục không gian từ Ngân hàng Nhà nước ra bờ hồ Hoàn Kiếm qua tượng đài Lý Thái Tổ hay đường Tràng tiền với điểm kết là Nhà Hát lớn. Với quy mô đô thị 5 vạn dân, dịên tích vài chục km2 thì những trục không gian như thế, tuy không lớn cũng đã là rất thành công.

Chính vì vậy, dễ hiểu sự quyết tâm và công phu của các tác giả lập Quy hoạch Hà Nội hịên nay khi lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội mở rộng đã cố gắng tìm kiếm vị trí để tạo lập một trục không gian trung tâm mới của Hà Nội.

Qua hơn 55 năm xây dựng sau Giải Phóng, Hà Nội chưa có một không gian nào được tổ chức thành công, tiêu biểu về dấu ấn của các giai đoạn quy hoạch phát triển đô thị sau thời thuộc Pháp.

Hiện sự tồn tại đơn lẻ, phân tán chật chội của các cơ quan hành chính Nhà nước trong khu vực nội thành cũng là một bức xúc. Hà Nội không có những vị trí quan trọng về không gian để đặt các tượng đài lớn , tôn vinh các giá trị của Thủ đô 1000 năm cũng như tôn vinh các giá trị lịch sử, văn hoá của cả đất nước. Chính vì vậy mỗi khi có dự kiến xây dựng tượng đài nào đó lại là những bài toán hóc búa, tranh cãi nhiều về vị trí quy hoạch chứ không phải ở việc thiết kế công trình.

Hà Nội vẫn là đô thị với hình ảnh Hồ Gươm, Khu phố cổ, phố Pháp, Ba Đình là tiêu biểu. Những giá trị đại diện đó không thể phủ nhận nhưng dường như nó không còn đủ nữa với một Hà Nội đã mở mang với 6 triệu dân và hơn 3.000km2. Dường như các giá trị đẹp cũ của Hà Nội đang bị pha loãng ra trong một không gian dàn trải, cái mới thì hỗn tạp, thiếu bản sắc. Vẻ đẹp sâu lắng của Hà Nội chỉ là sự níu kéo về ký ức mà thôi. Các khu đô thị mới phô trương đang xây dựng cũng góp phần làm mất đi các nét đặc trưng của Hà Nội và tiếp tục một quá trình hình thành các hình ảnh, các không gian thiếu ý đồ tổ chức tổng thể

Có thể nói việc tìm kiếm thiết lập một trục không gian trung tâm có kiến trúc cảnh quan tiêu biểu cho đô thị Hà Nội mới là một nhu cầu thực sự bức thiết. Dịp quy hoạch mới này là một cơ hội cho thành phố Hà Nội để xác lập lại bản sắc của minh, khi nội thành đã quá chật chội và khá hỗn tạp. Chính vì lý do đó, việc tìm kiếm điểm đầu và điểm cuối của trục không gian cũng phải được xác định rõ ràng. Tạo nên sự kết nối nhất định với các không gian và công trình quan trọng hiện có. Hồ Tây, Quảng trường Ba đình, Trung tâm Hội nghị quốc gia có thể coi là những điểm đáng lưu ý để kết nối.

Dù có khó khăn nhưng cần khẳng định đây chính là một cơ hội bởi các dự kiến quy hoạch vẫn còn đang tiếp tục hoàn thiện qua nhiều bước, nhiều cấp độ. Chúng ta còn có thể suy nghĩ và có các giải pháp thích hợp để tạo lập Hà Nội có hình ảnh mới, kế thừa truyền thống, xứng đáng với tương lai và sự mong mỏi của người dân cả nước, mong muốn về một Thủ đô tươi đẹp của đất nước với 85 triệu dân và sẽ phát triển ngang tầm quốc tế.