Năm 2011, trường ĐHXD kỷ niệm 45 năm thành lập và 55 năm đào tạo, cùng lúc bộ môn Quy hoạch đô thị của trường kỷ niệm 50 nặm thành lập. Thời đó, bộ môn Quy hoạch thuộc khoa Xây dựng củng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Khoa này là tiền thân của trường Đại học Xây dựng ngày nay. Đầu tiên khoa đào tạo các ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp, thuỷ lợi, cầu đường. Việc mở ngành mới - ngành quy hoạch là rất cấp thiết vì lúc đó đội ngũ cán bộ làm công tác quy hoạch còn rất thiết và yếu. Lớp quy hoạch đầu tiên được tách ra từ lớp xây dựng khoá 3 do các thầy đầu tiên của bộ môn giảng dạy. Đó là thầy Trương Quang Thao giảng dạy các phần về quy hoạch chung đô thị; thầy Nguyễn Phụng Võ – quy hoạch chi tiết, cây xanh đô thị; thầy Lê Bá Phong - cấp thoát nước, san nền, tiêu thuỷ. Ngoài ra, bộ môn còn mời các KTS lâu năm đến giảng dạy và huớng dẫn đồ án kiến trúc như KTS Hoàng Như Tiếp, KTS Hoàng Linh, KTS Tạ Mỹ Duật, KTS Trần Văn Bích dạy và hướng dẫn đồ án thiết kế đường phố…

Tháng 8/1962, bộ môn được bổ sung thêm 6 cán bộ giảng dạy trẻ vừa tốt nghiệp lớp quy hoạch đầu tiên. Đó là Lâm Quang Cường, Trần Hữu Uyển, Lê Xuân Thọ, Bùi Văn Sướng, Vũ Hải và Ngô Văn Sức. thời gian này, bộ môn dạy các môn quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chi tiết, quy hoạch nông thôn, giao thông đô thị, kỹ thuật đô thị, cấp thoát nước. Từ năm 1963- 1965, bộ môn được bổ sung các thầy giáo: Trần Đình Cương, Nguyễn Lan, Đặng Văn Hạnh nâng số giáo viên của bộ môn lên đến 12 người. Đây là những thầy giáo mới ra trường, vừa trẻ trung vừa hăng say rèn luyện về mọi mặt để nâng cao trình độ truyên môn, tăng cường các kỹ năng.

Từ 1965 cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ càng ác liệt, nhiều cán bộ của bộ môn được cử đi học nghiên cứu sinh ở nước ngoài để sau này trở về tham gia xây dựng lại đất nước có hiệu quả hơn. Bộ môn cũng được tăng cường cán bộ mới là các thầy Trịnh Minh Hồng, Đỗ Đức Viêm, Cao Xuân Hưởng, Ngô Thế Hùng. Năm 1966 nhóm cấp thoát nước trong bộ môn được tách ra thành lập khoa riêng. Năm 1967 lớp kiến trúc sư vcủa bộ môn nhập về trường Đại học Xây dựng, bộ môn có thêm thầy Nguyễn Thế Bá, Vũ Khắc Vấn. Trong những năm 70 và 80 của thế kỷ trước bộ môn có thêm các thầy Nguyễn Luận, Trần Văn Khơm, Hồ Quang Minh, Hồ Ngọc Hùng, Phạm Hùng Cường, Tôn Đại, Cù Huy Giai, Nguyễn Trần Thiết, và hai thầy Nguyễn Kim Luyện và Nguyễn Sỹ Quế từ bộ môn khác chuyển sang. Từ những năm 90 đến năm 2000 có các thầy cô: Đoàn Khắc Tình, Đàm Thu Trang, Phạm Thúy Loan, Tô Kiên, Nguyễn ThiịThanh Mai, Nguyễn Minh Tiến, Phùng Thị Mỹ Hạnh. Sau năm 2000, nhiều cán bộ mới vèe bộ môn như Lê Quỳnh Chi, Trần Quý Dương, Tống Ngọc Tú, Trần Quang Dương, Đặng Việt Dũng, Nguyễn Thu Hương, Nguyễn Phương Nga, Dương Quỳnh Nga, Nguyễn Văn Tuyên, Đào Hải Nam, Nguyễn Công Thiện…

Từ ngày thành lập đến nay có 46 thầy cô giáo đã từng công tác ở bộ môn, trong đó có 2 NGND, 3 GS.TSKH, 10 PGS,TS, 7 ThS, 3 NGƯT. Nhiều người đã được bổ sung cho các trường khác, viện thiết kế và các địa phương trong cả nước.

Các chủ nhiệm của bộ môn là PGS.TS. Trương Quang Thao (1961-1965 và 1969- 1989), KTS Nguyễn Phụng Võ (1966-1968), PGSTS. Tôn Đại (1990 -1992), PGS. TS. Nguyễn Kim Luyện (1993- 1995), KTS. Trần Văn Khơm (1996 -1999), TS. Nguyễn Sỹ Quế (1999 - 2003), PGS.TS Phạm Hùng Cường (2004 -2011), Phạm Thuý Loan từ tháng 9/2011.

Các phó chủ nhiệm bộ môn: Cao Xuân Hưởng (1967 - 1969), Lâm Quang Cường (1972 - 1984), Trịnh Minh Hồng từ 1985, Đàm Thu Trang từ 6/1999, Nguyễn Thị Thanh Mai từ 2009 – nay.

Số lượng cán bộ giảng dạy của bộ môn trong khoảng từ 11 đến 14 người. Bộ môn dạy các môn quy hoạch vùng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chi tiết, quy hoạch nông thôn, cây xanh, cảnh quan, xã hội học, giao thông đô thị, kỹ thuật hạ tầng đô thị, các đồ án lớn nhỏ vể quy hoạch, kiến trúc phục vụ các ngành đào tạo kiến trúc sư công trình, kiến trúc sư quy hoạch, kỹ sư đô thị chất lượng cao hợp tác với CH Pháp.

Trong 50 năm qua, bộ môn đã đào tạo được 8 khoá quy hoạch, 38 khoá Kiến trúc sư, các khoá kỹ sư đô thị chất lượng cao, đang đào tạo KTS quy hoạch. Hàng nghìn kiến trúc sư và kỹ sư do bộ môn đào tạo đã phát huy hết sức mình xây dựng đất nước. tiêu biểu như TS. Bùi Văn Sướng, NGND.GS.TSKH. Lâm Quang Cường, NGƯT.GS.TSKH. Trần Hữu Uyển, TS. Lê Xuân Thọ, KTS Nguyễn Nam Thái, TrầnQuang Nhĩ (khoá 3), PGS. Đặng Thái Hoàng (khoá 4), GS.TS. Lê Hồng Kế, PGS Trần Đức Dục, TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh (khoá 6), PGS.TSKH Nguyễn Ngọc Châu, TS Nguyễn Thị Tâm (khoá 7), NGƯT. PGS.TS. Vũ Thị Vinh (khoá 9), nguyên Thứ trưởng Trần Ngọc Chính, PGS.TS. Phạm Hùng Cường, PGS.TS. Đàm Thu Trang , TS. Nguyễn Thị Thanh Mai, TS. Phạm Thuý Loan….

Về đào tạo sau đại học, bộ môn đã đào tạo được 12 Tiến sỹ, hàng trăm thạc sỹ từ mọi miền đất nước. Các đề tài luận án tiến sỹ nhằm giải quyết các vấn đề cấp thiết về lý luận và thực tiễn cho các đô thị và nông thôn Việt Nam. Đó là các đề tài của các nghiên cứu sinh: Nguyễn Thị Thanh Thuỷ: bố cục phong cảnh vườn – công viên (hướng dẫn: Trương Quang Thao); Tôn Đại: Các xu hướng kiến trúc ở ViệtNam (Hướng dẫn: Trương Quang Thao); Lê Hồng Kế: vấn đề sinh thái đô thị (Hướng dẫn: Trương Quang Thao, Phạm Ngọc Đăng), Lưu Đức Hải: đường xe đạp trong quy hoạch đường phố (hướng dẫn: Lâm Quang Cường, Đỗ Bá Chương, Trương Quang Thao), Phạm Gia Yên: kế thừa bản sắc dân tộc trong quy hoạch buôn làng dân tộc Bahnar (hướng dẫn: Lâm Quang Cường, Huỳnh Đăng Hy), Nguyễn Sỹ Quế: Kiến trúc nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ (hướng dẫn: Lâm Quang Cường, Nguyễn Kim Luyện), Nguyễn Thị Tâm: quy hoạch xây dựng đường giao thông nông thôn (hướng dẫn: Lâm Quang Cường), Tô Thị Toàn: quy hoạch cải tạo phố cổ Hà Nội (hướng dẫn: Nguyễn Lân), Phạm Hùng Cường: chuyển đổi cấu trúc làng xã vùng ven đô thị lớn đồng bằng sông Hồng thành đơn vị ở trong quá trình đô thị hoá (hướng dẫn: Lâm Quang Cường), Trương Văn Quảng: mô hình định hướng và giải pháp quy hoạch bảo tồn di sản đô thị tại Việt Nam (hướng dẫn: Tô Thị Minh Thông, Lâm Quang Cường),Nguyễn Hồng Tiến: sự phát triển mạng lưới giao thông trong quy hoạch không gian chùm đô thị (hướng dẫn: Lâm Quang Cường, Lê Hồng Kế), Hồ Ngọc Hùng: quy hoạch, tổ chức không gian đi bộ trong các đô thị lớn Việt Nam (hướng dẫn: Nguyễn Văn Đỉnh, Lâm Quang Cường).

Nhiều thạc sỹ, Tiến sỹ do bộ môn đào tạo đã phát huy tốt vai trò chuyên môn của mình và đảm nhận vai trò quản lý quan trọng như cục trưởng, viện trưởng, phó hiệu trưởng.

Các cán bộ của bộ môn có tinh thần học hỏi, rèn luyện rất cao và trở thành chuyên gia trong một số lĩnh vực như quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, giao thông đô thị, quy hoạch cảnh quan, quy hoạch hạ tầng kỹ htuật đô thị. Bộ môn có 5 tiến sỹ làm luận án trong nước, 5 tiến sỹ làm luận án ở nước ngoài như ở Nhật, Pháp, nhiều người được bồi dưỡng chuyên môn ở nước ngoài như Hà Lan,Pháp, Canada, Úc, Ấn Độ…

Từ ngày thành lập đến nay, các thầy cô giáo của bộ môn đều tích cực tham gia nhiều công tác thực tế, nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất.

Năm 1962, lớp quy hoạch đầu tiên được lấy đề tài quy hoạch Hà Nội làm đề tài thiết kế tốt nghiệp dưới sự hướng dẫn của đoàn chuyên gia Liên Xô do KTS I.A.Anphiorop dẫn đầu. Năm 1977 sau ngày thống nhất đất nước, các cán bộ của bộ môn tham gia đóng góp phương án quy hoạch chung cho Hà Nội.

Năm 1965 các thầy, trò tham gia đợt điều tra tình hình xây dựng nông thôn các tỉnh từ Lạng Sơn đến Quảng Bình do Bộ Kiến trúc giao.

Năm 1970 làm quy hoạch chung thị xã Tuyên Quang.

Năng 1971 làm quy hoạch chi tiết tiểu khu nhà ở Giảng Võ Hà Nội (đã được xây dựng)

Năm 1973 – 1974 hai cán bộ của bộ môn là Trương Quang Thao và Lâm Quang Cường vinh dự là trợ lý về các vấn đề quy hoạch xây dựng cho Phó Thủ Tướng Đỗ Mười.

Năm 1980 – 1985 tham gia đề tài quy hoạch huyện nông công nghiệp

Từ 1986 tham gia đề tài nghiên cứu về mạng lưới dân cư toàn quốc với Bộ Xây dựng. Những năm sau là các đề tài về Hà Nội, Hải Phòng, quy hoạch giao thông 4 thành phố lớn, các đề tài về nút giao thông ở Hà Nội, về cây xanh, quản lý đô thị, giải pháp hạn chế ùn tắc giao thông …

Trong những năm qua, bộ môn đã hợp tác chặc chẽ và có hiệu quả với nhiều cơ quan và cá nhân trong nghiên cứu khoa học, phục vụ thực tế, trong việc đào tạo đại học và sau đại học.

Bộ môn đã xây dựng một cơ sở vật chất lớn như bài giảng, tài liệu, đồ án, sách giáo khoa, sách chuyên đề, công trình nghiên cứu khoa học, luận văn thạc sỹ, luận án tiến sỹ, các công cụ phục vụ giảng dạy khác.

Bộ môn và các cá nhân đã nhận được nhiều bằng khen của Chính phủ, Bộ giáo dục và Đào tạo, các tỉnh, thành phố và của Nhà trường. Các giải thưởng quốc tế về Kiến trúc và quy hoạch được trao cho KTS Nguyễn Luận (nhà ở nông thôn – đơn vị cân bằng sinh thái 1980), KTS Trần Văn Khơm giải nhất, được tổ chức tạo Mađơrit năm 1975 với đề tài nhà ở khẩn cấp cho những nơi bị thiên tai. PGS.TS. Phạm Hùng Cường nhận nhiều giải thưởng về quy hoạch đô thị, giải thuởng của Hội KTS về sách, nhiều thầy cô hướng dẫn đồ án sinh viên đoạt giải thưởng của Hội KTS, Hội Quy hoạch, Tổng hội Xây dựng. Nhiều cán bộ trẻ của bộ môn nhận được bằng sáng tạo Kiến trúc của hội KTS Việt Nam: Nguyễn Thị Thanh Mai, Tô Kiên, Nguyễn Minh Tiến…

Sự thành công của bộ môn trước hết là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của lãnh đạo khoa Xây dựng trước đây khi còn thuộc trường Đại học Bách khoa và khoa Kiến trúc trường Đại học Xây dựng ngày nay trong việc tạo ra đội ngũ cán bộ trẻ, đông đảo, nhiệt tình và sớm mạnh dạn cử họ đi học tập sau đại học ở nước ngoài. Trong nhiều năm có sự thuyên chuyển cán bộ, song bộ môn được bổ sung cán bộ một cách liên tục. Việc đào tạo tiến sỹ trong nước trước hết ưu tiên cho cán bộ trẻ trong bộ môn, do đó số cán bộ có trình độ trên đại học ở bộ môn chiếm tỷ lệ rất cao. Công tác đào tạo sau đại học được bộ môn đặt biệt quan tâm. Có thể nói bộ môn có vai trò rất lớn trong việc đào tạo tiến sỹ và thạc sỹ trong cả nước về lĩnh vực quy hoạch qua nhiều thập kỷ. các thầy cô giáo của bộ môn đều phấn đấu để đạt 2 mục tiêu: nhà giáo tốt, gương mẫu và nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao. Từ ngày ra đời đến nay, bộ môn đặc biệt quan tâm đến việc phục vụ cho thành phố Hà Nội, tham gia giải quyết các vấn đề lớn nhỏ thuộc chuyên ngành, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trung ương và địa phương trong việc giải quyết các vấn đề chuyên môn cũng như đào tạo cán bộ. Việc đổi mới chương trình, nội dung được bộ môn thường xuyên quan tâm. Truyền thống đoàn kết, nhất trí cũng đã góp phần cho thành công của bộ môn.

Trước yêu cầu về đào tạo và phát triển ngày càng lớn, bộ môn quy hoạch đô thị đã được tách ra là 3 bộ môn: bộ môn quy hoach, bộ môn cảnh quan, bộ môn hạ tầng kỹ thuật để đảm nhận những nhiệm vụ lớn lao được giao. 50 năm là một chặng đường dài với một đời người, nhưng đối với bộ môn chỉ là một giai đoạn. Chúc bộ môn luôn lớn mạnh trong quá trình phát triển, đạt nhiều thành quả cao hơn nữa, góp phần xây dựng trường ĐHXD luôn vững mạnh.

NGND.GS.TSKH. Lâm Quang Cường

PGS.TS. Phạm Hùng Cưòng